Luật gia: Kim Khánh
Chi hội Luật gia Sở Tư pháp
Thứ nhất, về lập đề nghị xây dựng VBQPPL:
Luật năm 2020 đã bỏ yêu cầu lập lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật năm. Theo đó, việc lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ áp dụng đối với Nghị quyết quy định các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy định mới này giúp chính quyền địa phương rút ngắn thời gian ban hành văn bản, tạo thuận tiện trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ trong việc ban hành các văn bản này, Luật năm 2020 đã chuyển việc đánh giá tác động trong giai đoạn lập đề nghị sang giai đoạn soạn thảo. Mục đích của quy định này nhằm bảo đảm chất lượng của dự thảo văn bản và tính khả thi của văn bản sau khi ban hành.
Thứ hai, về quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL:
Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật năm 2015. Theo đó, ngoài trường hợp “được luật giao” như Luật năm 2015 quy định, Luật năm 2020 đã bổ sung trường hợp nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp được quy định thủ tục hành chính do “Nghị quyết của Quốc hội giao”. Riêng đối với Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh còn được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Luật năm 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 172 của Luật năm 2015 để cho phép sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính đã ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực (01/7/2016) với điều kiện không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.
Thứ ba, về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã:
Luật năm 2020 đã mở rộng phạm vi loại văn bản có thể giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL. Theo đó, ngoài trường hợp được ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được luật giao như quy định của Luật năm 2015, Luật năm 2020 đã bổ sung trường hợp HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được “Nghị quyết của Quốc hội giao”.
Đồng thời, để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 về phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (việc thực hiện phân cấp phải được thể hiện bằng VBQPPL), Luật năm 2020 đã bổ sung quy định HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ tư, liên quan đến việc thẩm định dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh và Quyết định của UBND cấp huyện:
Về nội dung thẩm định, Luật năm 2015 quy định việc thẩm định dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện giống như dự thảo Nghị quyết HĐND cấp tỉnh. Luật năm 2020 đã tách bạch nội dung thẩm định đối với dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh và bổ sung một số nội dung phải thẩm định đó là: Sự cần thiết ban hành quyết định; Sự phù hợp của nội dung dự thảo quyết định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định (nếu trong dự thảo quyết định có quy định thủ tục hành chính); Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định (nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới); Nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành quyết định.
Nội dung cần thẩm định của quyết định UBND cấp huyện tương tự như thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Về thời hạn thẩm định, Luật năm 2020 đã tăng thời gian thực hiện thẩm định từ 10 ngày lên 15 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan thẩm định văn bản QPPL có đủ thời gian để nghiên cứu, thẩm định, đặc biệt là đối với các dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020 là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của địa phương ngày càng thống nhất, đồng bộ, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021./.