Luật gia: Phạm Thị Kiều Trang
Chi hội Luật gia Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh
Công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân được quy định bởi Hiến pháp và Pháp luật, cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành, Thông tư, quy định… hiện nay như:
- Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, quy định “Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 1 - Điều 2);
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại Khoản 1 - Điều 483 quy định “Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới”.
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại Điều 515 quy định “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”.
- Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tại Điều 343 quy định “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp, Tòa án cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”.
- Luật Thi hành án hình sự năm 2019, tại Khoản 6 - Điều 167 quy định Viện kiểm sát có quyền “Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự”…; tại Khoản 1, 2 - Điều 168 quy định “1. Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; 2. Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới thực hiện nhiệm vụ sau đây: Ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XIV của Luật Thi hành án hình sự; Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp dưới; thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát; Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện Kiểm sát”.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) tại Điều 159 quy định “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”.
- Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (thay thế Quy chế 59/2006 ngày 6/2/2006 của Viện trưởng Viện KSNDTC);
- Quyết định 546 ngày 3/12/2018 của Viện KSND tối cao “Quyết định ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;
- Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/04/2018 của Liên ngành Trung ương về việc quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
- Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương về việc quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các Cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật và Các văn bản của Luật chuyên ngành, Thông tư liên tịch, Quy chế, Quy định của Ngành và để thực hiện tốt chức năng giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp cần phải thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Nghiêm túc thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Ngành về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Thứ hai: Về cán bộ tiếp công dân, cần phải có sự lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; tính tình ôn hòa, không nóng nảy, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.
Khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, cán bộ tiếp dân cần phải đối thoại, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ và hiểu rõ họ khiếu nại với nội dung, mục đích gì, từ đó việc giải quyết mới đảm bảo kịp thời, chính xác.
Thông qua công tác tiếp công dân là kênh để cán bộ tiếp dân lồng ghép được nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật, qua đó để nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật cho người dân.
Thứ ba: Đảm bảo việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn kịp thời, chính xác: Sau khi tiếp nhận đơn, cần phân biệt chính xác là đơn tư pháp hay không phải đơn tư pháp (các loại đơn không thuộc thẩm quyền, không thuộc trách nhiệm kiểm sát như khiếu nại, tố cáo, tố giác tin báo tội phạm, hay đơn đề nghị, kiến nghị phản ánh …) bởi nếu không xác định được chính xác sẽ dẫn đến việc phân loại, xử lý và giải quyết không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền. Việc theo dõi, tổng hợp nắm chắc và đầy đủ các kết quả giải quyết đơn trước đó sẽ là cơ sở cho việc giải quyết chính xác đối với những vụ việc đã được giải quyết mà người khiếu nại, tố cáo tiếp tục có đơn.
Thứ tư: Nắm vững các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền theo Quy chế 51/QĐ-VKSTC ngày 02/02/2016 quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định số: 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Thứ năm: Giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài (nếu có). Tăng cường công tác phối hợp giữa VKSND với các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS về khiếu nại, tố cáo.